Tôi và âm nhạc.

Posted: 29.11.2009 in Nghệ Thuật, Nhạc, Phan Khắc Huy, Tôi và âm nhạc

Có người nói với tôi rằng mình không thích âm nhạc bởi âm nhạc nó mơ hồ quá và cái kết của bản nhạc nhiều khi chỉ là sự lửng lơ của cảm xúc, anh thích kịch hơn bởi cuối vở kịch luôn cho đáp án rõ ràng. Tôi chỉ cười trừ, rồi hỏi anh có xem nhạc kịch chưa? Đối với tôi, âm nhạc là những đoạn ngắn của cảm tính bất chợt ùa đến, đạt đến sự tới hạn rồi hòa tan đi theo cung nhịp. Một bản nhạc hay sẽ làm cho sự tới hạn đó giữ được cường độ khiến cho mạch cảm xúc vẫn tiếp tục giao thoa với sóng âm còn đọng lại dù nhạc đã dứt từ lâu. Âm nhạc chính là sự hòa hợp khéo léo giữa cái cảm tính vô qui luật của tâm hồn con người với cái luận lý, logic của sự sắp xếp trình tự những nốt nhạc, những dấu thăng, dấu giáng… trên khung kẻ.

Tôi là người nghe nhạc khó tính, không phải nhạc nào tôi cũng nghe được. Chẳng phải vì tôi bảo thủ, không chịu tiếp nhận những cái mới, tân thời mà chỉ đơn giản là vì có những bản nhạc mới không gợi cho tôi chút cảm xúc nào, hay những cảm xúc gợi lên nó bình thường quá, chóng có rồi chóng quên. Có thể ở xã hội hiện đại, con người, trong đó đó tất nhiên có nhiều nhạc sĩ bị nhịp sống cuốn đi nhanh quá, rung động chưa kịp lắng lại đã bị “nhét” vào dòng kẻ nhạc chật chội thành ra nhịp điệu trở nên gò bó trong motip cũ, méo mó, cá nhân, lạc mất “điệu đời”. Hình như nhạc điệu bây giờ đã mất đi cái khoảng khoát, bao la, rộng lớn của tâm hồn người nghệ sĩ sắp đặt, cùng là 5 dòng kẻ như nhau trong dòng nhạc nhưng có lẽ âm nhạc ngày xưa lấy sự gọn gàng đó làm ngòi cho sự bùng nổ, mở toang cánh cửa của thính giác để ta chìm đắm vào sự vi diệu của thế giới thanh âm còn nhạc bây giờ chỉ là những lời nói, lời kể lể, than vãn, trút xả đi cái chán chường, thất vọng cùa cuộc sống hời hợt, vội vàng. “Lòng đâu phụ nhau thêm nữa, khi mai không còn có nhau” đã nhường chỗ ngân nga cho “… hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều nỡ quay lưng đi để ngườI ta khóc”. Quả thực là khập khiễng khi đem so sánh dòng nhạc trữ tình mang tính chất bác học với dòng nhạc thị trường bình dân nhưng nếu xem tất cả đều có nguồn gốc chung là thanh âm của “cuống phổi nhân quần” thì với tôi, âm thanh bây giờ sao khó nghe quá!

Một người bạn sau khi đi xem LiveShow “Riêng một góc trời” của nam ca sĩ Tuấn Ngọc đã nhận xét rằng nhìn giá vé tưởng chương trình hoành tráng lắm hóa ra… “quê mùa”. Với khán giả hiện nay, liveshow của ca sĩ hầu như phải gắn với âm thanh, ánh sáng hiện đại, sân khấu trang trí lộng lẫy, to lớn như danh tiếng của người biểu diễn. Người ta đi nghe nhạc trước hết là muốn được thỏa mãn cái “nhìn” trước rồi mới đến cái “nghe”. Ca sĩ được công nghệ biểu diễn tôn vinh lên, lộng lẫy, hào nhoáng trước sự cuồng nhiệt của đám đông hâm mộ. Hình ảnh đó đẹp lắm chứ nhưng nó làm cho người nghệ sĩ có vẻ xa vời, đứng trên khán giả nhiều quá. Trở lại đêm diễn của nam danh ca đã đứng tuổi, Tuấn Ngọc, tôi lại thấy thật mộc mạc, gần gũi và thân mật. Tuấn Ngọc đi đi lại lại trên sân khấu nhỏ, phía sau ông là dàn nhạc, có chiếc bàn đặt sẵn ly nước mát, để trò chuyện với thích giả về những tình khúc sắp được trình bày. Thính giả không phải đi xem dung nhan của Tuấn Ngọc vì khuôn mặt của ông đã bị nhiều nếp hằn của thời gian, người ta đi thưởng thức giọng hát trầm ấm, đong đầy xúc cảm của ông dù cho giọng hát đó không còn dài hơi như xưa nữa. Và liveshow “Riêng một góc trời” đã chứng tỏ rằng khi âm nhạc cất lên thì không còn ranh giới của tuổi tác, của thế hệ, của suy nghĩ, tất cả đều được hòa vào không gian thính phòng tràn ngập giai điệu yêu đương lả lướt mà sống động. Âm nhạc phải thỏa mãn được thính giác thì mới gọi là âm nhạc.

Mấy dạo gần đây rộ lên nhiều vụ “đạo” nhạc bị phanh phui, thậm chí có những cộng đồng mạng kêu gọi kí tên phản đối, tẩy chay một nữ ca sĩ nhiều lần “đạo” nhạc. Nghĩ mà thực buồn, buồn nhưng không lấy làm lạ, bởi chính người viết cũng đã gặp chuyện tương tự. Một bài cảm nhận âm nhạc của tôi viết trên blog cá nhân đã lâu, được đăng trên báo Văn nghệ Trẻ địa phương, bẵng đi một thời gian hai năm, bỗng bạn tôi nghe đọc bài đó trên chương trình phát thanh LSX, tên tác giả vẫn là tôi mà địa chỉ gửi bài không phải của tôi! Sau hai ngày lặn lội lên đài để thông báo, tôi mới gặp được một anh phó ban hứa hẹn xem xét rồi liên lạc lại, từ đó đến nay hơn nữa năm rồi vẫn bặt vô âm tính. Chẳng phải tôi vì ham thích chút nhuận bút mà cất công đến như vậy, tôi chỉ muốn công sức của mình phải được công nhận là của mình, một sự công bằng quá bình thường. Có thể chuyện của tôi chỉ là chuyện nhỏ nên một chương trình lớn như LSX không quan tâm đến nhưng chính vì sự xem thường chuyện nhỏ như vậy mà bây giờ có nhiều người bỏ qua danh dự, dửng dưng lấy sáng tác của người khác để tôn vinh tên tuổi cho chính mình mà không cảm thấy xấu hổ. Âm nhạc là sáng tạo của cá nhân, mang đến sự giao hòa cho cộng đồng, bất cứ hành động nào vi phạm quyền sở hữu sáng tạo đó đều cần bị phê phán mạnh mẽ.

Người viết bài này không có ý định trở thành một nhà nghiên cứu, phân tích về đời sống âm nhạc. Tất cả chỉ là những suy nghĩ riêng của kẻ nghe nhạc “nghiệp dư” muốn chia sẻ cùng bạn yêu nhạc. Mỗi người đều có suy nghĩ, sở thích, thị hiếu riêng về âm nhạc, không thể áp đặt của người này lên người khác. Người viết chỉ muốn nhắn nhủ là âm nhạc cần phải có sự chắt lọc, chỉnh chu, bao hàm được sự tự do, khoảng khoát mới nuôi dưỡng, vun đắp cho tâm hồn con người ngày một hoàn thiện.

Phan Khắc Huy

Bình luận về bài viết này